Quy trình mạ kẽm nhúng nóng thép để sản xuất xe đẩy hàng |
Tại Việt Nam, đến năm 1989, công nghệ mạ kẽm nhúng nóng mới được bắt đầu nghiên cứu đưa vào sản xuất và được thúc đẩy mạnh mẽ khi triển khai xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc Nam phục cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vật liệu tương ứng và công nghệ nhúng kẽm đã được áp dụng đúng lúc, đáp ứng được các yêu cầu chống ăn mòn, nâng cao chất lượng và tuổi thọ cũng như độ an toàn của các công trình kết cấu thép.
Quy trình mạ kẽm nhúng nóng
Bước 1: Tẩy nhờn
Trong quá trình gia công, bảo quản các chi tiết sản phẩm bằng thép luôn có một lượng dầu mỡ và các tạp chất bám trên bề mặt chi tiết. Nếu không tẩy rửa hoặc tẩy rửa không triệt để lớp dầu mỡ và tạp chất này, lớp kẽm mạ nhúng nóng sẽ không bám hoặc bám không bền, lớp mạ có màu sắc khác thường. Việc tẩy dầu mỡ và các tạp chất được thực hiện trong bể dung dịch kiềm nguội có thêm chất phụ gia.
Bước 2: Rửa sạch
Mục đích: rửa sạch kiềm (để không trung hòa khi mang qua bể acid) và váng dầu mỡ khỏi chi tiết. Đây là bể nước tràn.
Bước 3: Tẩy rỉ lần 1
Mục đích: Tẩy phần lớn phần rỉ sét trên bề mặt chi tiết. Bể này là dung dịch acid clohydric (HCl) trong nước có nồng độ cao và được cho vào một lượng nhỏ chất phụ gia có tác dụng kiềm hãm acid ăn mòn nền thép và hạn chế acid bay hơi.
Bước 4: Tẩy rỉ lần 2
Mục đích: Tẩy triệt để phần rỉ sét còn lại trên bề mặt chi tiết. Bể này là dung dịch acid clohydric (HCl) loảng trong nước và cũng được cho vào một lượng nhỏ chất phụ gia có tác dụng kiềm hãm acid ăn mòn nền thép.
Bước 5: Rửa sạch
Mục đích: Rửa sạch acid và clorua sắt hình thành trong quá trình tẩy rỉ khỏi chi tiết. Đây là bể nước tràn.
Bước 6: Kiểm tra
Sản phẩm sau khi tẩy rỉ và rửa sạch tiến hành kiểm tra. Nếu sản phẩm đạt (không còn lớp dầu mỡ, tạp chất và rỉ sét bám trên bề mặt chi tiết) chuyển sang bể hóa chất xử lý. Nếu sản phẩm không đạt (vẫn còn lớp dầu mỡ, tạp chất và rỉ sét bám trên bế mặt chi tiết) thực hiện trở lại bước 1 theo như lưu đồ.
Bước 7: Xử lý hóa chất
Nhằm bảo vệ bề mặt chi tiết không bị oxy hóa (tạo rỉ) lại trong quá trình sấy và tăng mức độ thấm ướt của kẽm lên bề mặt chi tiết khi mạ nhúng.
Bước 8: Sấy khô
Nhằm mục đích cho chi tiết bốc phần lớn hơi nước để khi dìm chi tiết vào bể nhúng kẽm không bị bắn tung tóe và bước sấy khô còn nhằm mục đích gia nhiệt sơ bộ cho chi tiết trước khi chuyển sang nhúng kẽm.
Bước 9: Nhúng kẽm
Nhúng dìm chi tiết vào trong bể kẽm có nhiệt độ và thành phần thích hợp để kẽm khuếch tán và bám cơ học vào chi tiết với độ dày nhất định.
Bước 10: Làm nguội
Nhằm mục đích tạo cho lớp kẽm phủ trên bề mặt chi tiết có tổ chức tế vi thích hợp, do đó lớp phủ bền hơn và bóng sáng hơn. Đây là bể nước tràn.
Bước 11: Dung dịch thụ động
Nhằm mục đích tạo độ bám chặt lớp kẽm phủ trên bề mặt sản phẩm. Tăng khả năng chịu lực va đập, bền vững của lớp mạ (nâng cao độ không bong tróc của lớp kẽm phủ trong môi trường tự nhiên).
Bước 12: Kiểm tra thành phẩm
Sản phẩm sau khi nhúng kẽm được tiến hành kiểm tra độ bám dính, chiều dày lớp mạ, màu sắc... Nếu sản phẩm đạt tiến hành nhập kho thành phẩm. Nếu sản phẩm không đạt thực hiện lại bước 1 theo như lưu đồ.
Đối tượng áp dụng chủ yếu là các công trình có kết cấu thép như: hệ thống kệ kho hàng, giàn khoan ngoài biển, vỏ tàu, khung thép xây dựng, kết cấu trụ điện bằng khung thép,...
Công nghệ mạ kẽm này có duy nhất 1 khuyết điểm là chi phí thực hiện cao hơn so với sơn tĩnh điện, nhưng về hiệu quả thì vượt trội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét